Tiểu sử Anh hùng LLVTND Huỳnh Văn Nghệ

Tiểu sử Anh hùng LLVTND Huỳnh Văn Nghệ
           2947 huynh van nghe người chép sử 1507
         Huỳnh Văn Nghệ
sinh ngày 2 tháng 2 năm 1914 tại làng Tân Tịch, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), trong một gia đình nghèo.

          Thân phụ của ông là ông Huỳnh Văn Tờn, từng học võ và biết chữ Nho, là một người khẳng khái, yêu nước mặc dù chính quyền thực dân cấm, ông Tờn vẫn dạy võ cho thanh niên trong làng và từng được hương chức làng mời ra làm hương tuần nhưng ông không nhận.
         Thân mẫu ông là bà Đoàn Thị Hiển, sinh năm 1880, Huỳnh Văn Nghệ là con thứ 7 trong gia đình nên còn gọi là Tám Nghệ. Tuy nhà nghèo, nhưng ông được hưởng một nền giáo dục rất tốt, được cha dạy dỗ về căn bản cả văn lẫn võ, được gia đình chăm lo ăn học đến nơi đến chốn và học rất giỏi.
          Từ nhỏ, ông chịu ảnh hưởng tinh thần yêu nước của gia đình. Khi học bậc trung học ông thường xuyên có thái độ bài thực dân Pháp và có thể đã có những tiếp xúc đầu tiên với những người Cộng sản. Sau khi tốt nghiệp với bằng Thành chung vào năm 1932, ông vào làm công chức tại Sở Hỏa xa Đông Dương (Sài Gòn). Thời gian này, ông được các cán bộ Cộng sản vận động, tham gia phong trào Đông Dương Đại hội vào năm 1936, một phong trào vận động thu thập dân nguyện đề nghị cải cách với chính quyền thực dân Pháp, bắt đầu hoạt động làm thơ, viết báo (tiếng Việt, tiếng Pháp) đăng trên các báo ở Sài Gòn với bút danh Hoàng Hồ. Năm 1937, ông được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương
          Năm 1940, Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra và bị chính quyền thực dân đàn áp khốc liệt. do việc thường xuyên tiếp tế cho một bộ phận nghĩa quân rút về lập căn cứ ở Tân Uyên, năm  1942, ông bị phát hiện và bị truy bắt. May mắn là ông kịp đào thoát sang Thái Lan. Tại đây, ông hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước, tổ chức xuất bản tờ báo Hồn cố hương, kêu gọi kiều bào hướng về Tổ quốc, ủng hộ cách mạng.
           Năm 1944, ông trở về nước liên lạc với Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu và được giao lập khu nghĩa quân Đất Cuốc tại quê hương Tân Uyên, Biên Hòa. Tháng 9 năm 1945 ông tham gia Tổng khởi nghĩa tháng Tám, trực tiếp chỉ huy bắt sống tỉnh trưởng và cảnh sát trưởng tỉnh Biên Hòa. Ông được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng lực lượng Giải phóng quân Biên Hòa, cố vấn cho ủy ban kháng chiến miền Đông.
           Năm 1946, ông làm Khu trưởng Khu 7 kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Khu 7. Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh lớn tại miền Đông. Đặc biệt, với trận La Ngà ngày 1 tháng 3 năm 1948, đơn vị ông được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân chương Chiến công, riêng Trung đoàn trưởng Huỳnh Văn Nghệ được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thưởng riêng một áo trấn thủ. Năm 1953, ông được cử ra Bắc học tập và tiếp tục công tác trong Quân đội với hàm Thượng tá, chức vụ Phó Cục trưởng Cục Quân huấn thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm 1965, ông về miền Nam tham gia chống Mỹ, làm Phó ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam. Sau khi đất nước thống nhất, ông là Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp (về sau hợp nhất vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ông lâm bệnh và mất tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 3 năm 1977.
          Ba mươi năm sau, ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm "Chiến khu xanh", “Bên bờ sông xanh", "Rừng thẳm sông dài". Ngày 17 tháng 4 năm 2010, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. "Thi tướng" Không chỉ là một chỉ huy quân sự tài ba, ông còn là một nhà thơ có những vần thơ in đậm trong tâm trí người đọc. Đồng đội và nhân dân miền Nam gọi ông là "Thi tướng rừng xanh".
Thống kê
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay112
  • Tháng hiện tại3,083
  • Tổng lượt truy cập31,961
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây